Dược là một chuyên ngành của khối ngành y, thu hút được rất nhiều sinh viên quan tâm và lựa chọn theo học. Dược tại sao lại có độ “ hot” đến vậy? Ngày nay, khi tình hình kinh tế được phát triển, mức độ sống của con người ngày càng cao, mọi người sẽ dần chú trọng đến vấn đề sức khỏe. Kéo theo đó, ngành y tế liên quan trực tiếp đến vấn đề sức khỏe con người được tập trung chú ý và phát triển.
Trong dịch vụ chăm sóc sức khỏe, có 2 mảng luôn song hành với nhau là y và dược. Y là ngành đào tạo nên các bác sĩ, những người trực tiếp khám, chữa bệnh cho mọi người. Còn dược là ngành dạy và đào tạo nên các dược sĩ, những người có sự hiểu biết, bào chế, nghiên cứu về các loại thuốc – phương tiện chính giúp bác sĩ khám chữa bệnh cho mọi người.
Không thể nói hai ngành y – dược ngành nào quan trọng hơn, vì mỗi ngành đều có tầm quan trọng nhất định và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe. Vì lí do đó, chương trình của khối ngành y – dược là chương trình kéo dài lâu hơn các khối ngành khác 5 – 6 năm cho cấp bậc đại học, 3- 4 năm cho cấp học cao đẳng.
Đối với dược, cơ hội phát triển của ngành dược cao và rộng lớn hơn ngành y. Khi bạn học dược, sau khi ra trường, bạn có thể phân phối thuốc tại các bệnh viện, hoặc tập trung nghiên cứu ra thuốc, thực phẩm chức năng mở một công ty thuốc riêng của chính mình. Để có thể làm được điều đó, các sinh viên dược đã trải qua các chương trình học rất nặng nề. Các sinh viên dược được học những gì trong quá trình theo học?
Chương trình học được áp dụng trong khối ngành dược
Dù học cao đẳng hay đại học, khối lượng kiến thức sinh viên phải học sẽ được phân thành 2 loại chính, là kiến thức đại cương và kiến thức chuyên ngành. Đối với hệ cao đẳng, số môn đại cương sẽ ít hơn hệ đại học và được học trong khoảng thời gian ngắn hơn để tập trung cho kiến thức chuyên ngành.
Nhóm kiến thức giáo dục đại cương
Đối với các trường đại học, nhóm kiến thức đại cương được học trong khoảng 1, 2 năm đầu khi sinh viên mới vào trường. Nhóm kiến thức đại cương là những bước nền cho sinh viên chuẩn bị những kiến thức nền tảng trước khi có thể bắt đầu học kiến thức chuyên ngành. Kiến thức đại cương đối với mỗi trường đại học sẽ có sự điều chỉnh khác biệt theo từng môn học nhưng về cơ bản là được xây dựng theo các bộ môn chính cụ thể có các bộ môn đại cương như:
- Lý luận chính trị: Bao gồm các môn có thể gọi là bộ tứ quyền lực và “ ác mộng” với sinh viên mới vào trường như: Chủ nghĩa Mác ( thường được chia ra làm hai bộ môn gọi tắt là Mác I và Mác II ), Tư tưởng Hồ Chí Minh, Đường lối cách mạng của Đảng cộng sản Việt Nam. Đây là nền tảng lý luận chính trị để sinh viên sau khi ra trường có những nấc thang cơ bản trong việc thăng tiến trong công việc hoặc tham gia và đóng góp cơ bản cho chính quyền Đảng với cai trò là Đảng viên.
- Giáo dục thể chất – Giáo dục quốc phòng: Các bộ môn thuộc giáo dục thể chất, tùy theo khung chương trình của các trường mà các bộ môn sẽ kéo dài trong suốt tất cả các kì học hay chỉ trong một số kì học nhất định. Giáo dục thể chất thường gồm các môn như: Bóng đá, thể dục, bóng chuyền, điền kinh, bóng rổ,… Giáo dục quốc phòng được nhà trường tổ chức cho sinh viên tham gia trong khoảng thời gian học của năm nhất hoặc năm hai, thường kéo dài trong vòng 1 tháng. Sinh viên theo học giáo dục quốc phòng sẽ được giảng dạy những kiến thức cơ bản về chủ quyền dân tộc, kiến thức cơ bản về vũ khí cùng lịch sử hào hùng của dân tộc…
- Ngoại ngữ: Các loại ngoại ngữ được nhà trường giảng dạy trong chương trình dạy của nhà trường như tiếng anh, ngoài ra các trường khác nhau đưa vào chương trình học các thứ tiếng khác nhau bổ sung kiến thức cho sinh viên cùng việc tăng cường khả năng cùng kỹ năng cho sinh viên đối với những loại ngoại ngữ được phổ thông trên thị trường tuyển dụng như tiếng hàn, tiếng trung, tiếng nhật,… Trong thị trường thuốc hiện nay, ngoài thuốc do Việt Nam sản xuất, có rất nhiều thuốc ngoại được sử dụng, là 1 dược sĩ, việc học ngoại ngữ chuyên ngành giúp sinh viên năm được công dụng, cách sử dụng của thuốc, còn nắm được tên gọi của thuốc.
- Các bộ môn toán – tin: Được đưa vào chương trình học với các bộ môn: toán – thống kê y dược, tin đại cương, … nhằm trang bị cho sinh viên những kiến thức cơ bản nhất về các kỹ năng cơ bản về máy tính, ứng dụng tin học, kỹ năng tính toán,.. phục vụ cho công việc sau khi ra trường. Hệ thống hóa cách kê khai, thống kê, xử lý mẫu vật trong ứng dụng thực tế.
Nhóm kiến thức giáo dục chuyên nghiệp
Nhóm kiến thức này sẽ được tập trung giảng dạy ở tất cả các chương trình, đây là nhóm kiến thức cốt lõi giúp sinh viên có thể học, hiểu và ứng dụng chính trong công việc sau này. Nhóm kiến thức này được chia ra thành nhiều phân ngành nhỏ hơn áp dụng với từng năm học cụ thể.
Năm thứ 2: Sinh viên sẽ được học nhóm kiến thức cơ sở ngành
Nhóm kiến thức cơ sở ngành là nhóm kiến thức nền tảng đối với bất kỳ chuyên ngành nào, những bộ môn trong nhóm kiến thức cơ sở ngành sẽ đóng vai trò là nòng cốt của tất cả các chuyên ngành. Sinh viên học chuyên ngành sẽ được xây dựng trên những cơ sở ngành đã học. Trong nhóm kiến thức cơ sở ngành, sinh viên sẽ được tiếp xúc, học các bộ môn như: vật lý 1, hóa đại cương vô cơ, sinh học, tâm lý & đạo đức y học, truyền thông và giáo dục sức khỏe, …
Qua năm thứ 2, sinh viên đã có cái nhìn, định hướng chung về ngành, có định hướng cụ thể về chuyên ngành mình mong muốn theo học. Đây cũng là cơ sở để sinh viên lựa chọn chuyên ngành để tiếp tục theo học trong những năm tiếp theo.
Năm thứ 3: Sinh viên được tiếp cận với các bộ môn của kiến thức ngành
Đến năm thứ 3, sinh viên đã được lựa chọn chuyên ngành nhưng trong năm học thứ 3, các sinh viên vẫn chưa được tiếp xúc với các bộ môn chuyên ngành mà bắt đầu học các bộ môn kiến thức ngành như : Dược lý, dược liệu, hóa dược, dược lâm sản,… Các bộ môn này sẽ là cơ sở nền tảng để sinh viên có thể hiểu rõ các bộ môn chuyên ngành của mình. Kiến thức chuyên ngành là phần trọng tâm sinh viên áp dụng khi đi làm theo chuyên ngành, còn kiến thức ngành trang bị cho sinh viên những kiến thức chung về ngành học.
Năm thứ 4: sinh viên được học về nhóm kiến thức chuyên ngành
Đây là nhóm kiến thức chính được đào tạo cụ thể theo từng chuyên ngành riêng biệt, đối với mỗi chuyên ngành khác nhau sẽ có những bộ môn khác nhau ( bắt buộc hoặc tự chọn) để sinh viên theo học. Đối với ngành dược, có các chuyên ngành: Dược liệu; Sản xuất và thiết kế thuốc, dược lâm sàn, kiểm tra chất lượng thuốc và cung ứng quản lý thuốc.
Mỗi chuyên ngành có một đặc thù khác nhau, tập trung về một mảng cụ thể nên các môn học theo chuyên ngành cũng có sự khác biệt.
- Dược liệu: Chuyên ngành này hướng dẫn và đào tạo sinh viên tất cả những kỹ năng cần thiết về dược học, tác dụng của các loại dược phẩm, cách kiểm nghiệm dược liệu chính xác,..
- Sản xuất và thiết kế thuốc: Cung cấp các kỹ năng để sinh viên có thể phân tích, bào chế, thiết kế các loại thuốc mới, kiểm tra, cải tiến qua trình bào chế
- Dược lâm sàn: Là chuyên ngành đào tạo sinh viên có thể trở thành những dược sĩ với đầy đủ kỹ năng kinh nghiệm hướng dẫn bệnh nhân sử dụng thuốc đúng với tình trạng bệnh, sao cho chính xác và hiệu quả nhất.
- Kiểm tra chất lượng thuốc: Khi học chuyên ngành này, sinh viên được trang bị các kỹ năng kiểm tra đánh giá nguyên liệu, thành phẩm, chất lượng sản xuất thuốc theo các tiêu chuẩn, quy định cụ thể.
- Cung ứng quản lý thuốc: Chuyên ngành này đào tạo sinh viên về cách tối ưu hóa các nguồn cung ứng và cách quản lý thuốc hiệu quả.
Việc lựa chọn chuyên ngành sẽ định hướng bạn ra trường có thể đảm nhiệm những công việc ra sao theo chuyên ngành bạn lựa chọn.
Năm cuối: Vào năm cuối sinh viên sẽ có đợt thực tập
Đối với đợt thực tập, sinh viên có cơ hội tiếp xúc với môi trường làm việc thực tế, các công việc thực tế mà khi ra trường có thể đảm nhiệm. Từ đó, sinh viên sẽ có những kỹ năng cơ bản về việc làm việc thực tế.
Nhóm kiến thức bổ trợ
Bên cạnh nhóm kiến thức chính, sinh viên phải học nhóm kiến thức bổ trợ gồm các môn như: tâm lý y học, giáo dục đạo đức y học,… Những bộ môn này định hướng cho sinh viên cơ bản về tâm lý người bệnh, cũng như nhắc nhở sinh viên về nòng cốt của công việc đang theo là gắn với sức khỏe con người, về tầm quan trọng cũng như sứ mệnh cao cả mà các bạn sinh viên đang theo học.
Học dược hệ cao đẳng và hệ đại học có gì khác nhau?
Sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, bạn muốn theo ngành dược, sẽ có rất nhiều trường cho các bạn lựa chọn, trong đó các trường lại được chia thành 2 hệ đào tạo: hệ cao đẳng và hệ đại học. Liệu 2 hệ này có gì khác nhau không?
Rõ ràng, ta thấy để theo được hệ đại học, sinh viên sẽ mất khoảng thời gian là 5 – 6 năm, còn đối với hệ cao đẳng khoảng thời gian này rút ngắn lại chỉ còn 3 -4 năm, vậy chương trình học của hai hệ này có giống nhau hay không? Tuy quãng thời gian học khác nhau, những các trường đảm bảo hệ thống kiến thức sinh viên được đào tạo là như nhau. Học đại học 5 – 6 năm, sinh viên được học kiến thức chuyên ngành trong 3 năm, 2 năm dùng để học kiến thức đại cương, và 1 năm để đi thực tập. Còn đối với hệ cao đẳng, trong 3 – 4 năm theo học, sinh viên được tập trung vào các nhóm kiến thức chuyên ngành và các công việc thực tế có thể đi làm ngay sau khi ra trường. Mỗi một hệ học lại có ưu điểm khác nhau, nếu theo hệ cao đẳng, sinh viên hoàn toàn có thể liên thông lên hệ đại học khi có đủ điều kiện hoặc nhu cầu theo học.
- Kết luận
Trong 5 năm học đối với hệ đại học dược, các bạn sinh viên sẽ được trải qua nhiều môn học thú vị, đi liền với thực nghiệm thực tế không hề tẻ nhạt, Tuy nhiên, vì lí do nhóm ngành gắn liền với sức khỏe con người, nên khi theo học, các bạn thực sự cần chú tâm, học tập và nghiên cứu một cách nghiêm túc, một sai sót xảy ra cái giá phải trả có thể là tính mạng của một hay rất nhiều người. Sứ mệnh thiêng liêng, trách nhiệm cao cả sẽ đi cùng với đó là áp lực vô cùng to lớn, nhưng nếu đã có niềm yêu thích và tâm huyết thì bạn sẽ đạt được nhiều thành tựu trong nghề. Chúc các bạn thành công.
Mục lục nội dung